Thuốc lào, danh pháp: Nicotiana rustica, là một loại cây được trồng rất nhiều ở những vùng nhiệt đới. Y học cổ truyền nước ta vẫn coi cây thuốc lào một loại thuốc nam chi Thuốc lá có tác dụng giúp cầm máu trực tiếp trên các vết đứt nhỏ. Ngoài ra lá thuốc lào có thể chữa bỏng, hoặc phòng đỉa cắn, sơ cứu khi bị rắn cắn; chữa ghẻ cho súc vật; trừ rệp, diệt trừ sâu hại cây trồng;... Nước điếu lấy ở điếu cầy được bôi chữa hắc lào do đặc tính chống viêm nhẹ của cây thân thảo này.
Được đăng tải trên trang ScienceDirect, thuốc lào cũng có mặt trong các bài thuốc dân gian truyền thống tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Phi, có hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Lá dùng ngoài chữa các bệnh thấp khớp sưng tấy, các bệnh ngoài da, đau nhức, vết đốt [1].
Tại bài báo được đăng tải năm 1924 tại tạp chí khoa học Science, tác giả cũng cho biết những công dụng cụ thể của thuốc lào trong việc kiểm soát côn trùng như rệp, rầy, nhện đỏ, dựa trên các phân tích hóa học cụ thể [2].
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học chứng thực việc thuốc lào có thể diệt được vi khuẩn lao. Vi Khuẩn lao chỉ có thể được điều trị thông qua uống thuốc trị lao, theo đúng phác đồ chỉ định của bác sĩ. Như vậy, có thể kết luận việc hút thuốc lào để đẩy lùi lao phổi là không hề có căn cứ, cơ sở khoa học.
Bên cạnh đó, tác hại của thuốc lào đó là hàm lượng Nicotine cao hơn 1-3% so với thuốc lá thông thường và có đặc tính gây nghiện khi sử dụng. “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên". Lợi bất cập hại cho không chỉ sức khỏe và tác động lên hệ hô hấp của người trực tiếp sử dụng thuốc lào mà còn xảy đến cho những người hít phải khói thuốc lào thụ động, và ống điếu mất vệ sinh. Thực tế, thuốc lá đã được WHO chỉ ra là nguyên căn của 20 loại ung thư khác nhau. Những người hút thuốc lá trên 15 năm là những đối tượng dễ có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất. Vậy, trên thực tế, thuốc lá - thuốc lào đều là “chất độc", “kẻ thù không đội trời chung" của lá phổi.
Người có triệu chứng cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn khám sàng lọc lao và được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần phải đi khám sàng lọc nếu như tiếp xúc, sinh hoạt trong các môi trường tồi tàn, không đủ các tiêu chuẩn đảm bảo sức khỏe, hay trong gia đình có người đã từng mắc lao.
Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 160,000 ca lao mới, khoảng hơn 12 nghìn người chết do lao. Đất nước ta vẫn đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng lao và lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới [3]. 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động, gánh nặng về chi phí không chỉ nằm ở việc khám và chữa trong thời gian ít nhất 6 tháng mà bệnh nhân còn có khả năng giảm thu nhập do không thể làm việc được. Lao hoàn toàn có thể chữa khỏi và không gây hệ quả, miễn là được phát hiện qua khám sàng lọc.
--------
Nguồn tham khảo:
[1] 19 - Anti-Inflammatory and Analgesic Activities of African Medicinal Plants, Medicinal Plant Research in Africa, 2013, https://doi.org/10.1016/B978-0-12-405927-6.00019-9.
(https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780124059276000199)
[2] Nicotiana rustica as a Source of Nicotine for Insect Control, Science, 1924 https://www.science.org/doi/10.1126/science.60.1555.365
[3] WHO, https://worldhealthorg.shinyapps.io/tb_profiles/?_inputs_&entity_type="country"&iso2="VN"&lan="EN"/
Top