Chuyển đổi số y tế: Xu hướng tất yếu của Y học hiện đại
Bắt Xu Hướng 06 tháng 09, 2024

Chuyển đổi số y tế là gì? Ý nghĩa và tác động trong y học hiện đại

Khám phá xu hướng chuyển đổi số y tế, một bước tiến tất yếu trong lĩnh vực Y học hiện đại, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trải nghiệm bệnh nhân
Tác giả: VinBrain

Chuyển đổi số y tế là gì? Ý nghĩa và tác động trong y học hiện đại

Lĩnh vực y tế, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, luôn không ngừng phát triển. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại sẽ tạo ra những thay đổi trong các quy trình truyền thống. Do đó các cơ sở y tế cần tìm ra những phương thức mới để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân trong cả khám và chữa bệnh. Chuyển đổi số hay y tế số chính là lời giải và là yếu tố sống còn mà các cơ sở y tế hiện nay đang tìm kiếm. Mặc dù thuật ngữ này đã trở nên phổ biến, tuy nhiên, việc thực hiện thành công chuyển đổi số y tế vẫn đặt ra rất nhiều thách thức cho những người làm quản lý.

1.Chuyển đổi số y tế là gì?

Theo Quy định 2021/694 của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng ngày 29 tháng 4 năm 2021, quy định về Chương trình Châu Âu Kỹ thuật số, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chuyển đổi các doanh nghiệp và dịch vụ. Một số công nghệ đóng góp vào quá trình chuyển đổi số bao gồm nền tảng kỹ thuật số của Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligent). Đồng thời, các lĩnh vực của xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất là viễn thông, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe.

Chuyển đổi số y tế chính là việc tích hợp toàn diện công nghệ kĩ thuật số vào phân tích dữ liệu, đổi mới quy trình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Y tế số sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới y tế, tạo điều kiện cho bệnh nhân tham gia vào chính quá trình chăm sóc sức khỏe của bản thân. Lúc này, bệnh nhân sẽ được quyền tham gia vào việc ra quyết định liên quan đến chăm sóc sức khỏe của họ. Việc tìm kiếm thông tin qua internet hoặc sử dụng các ứng dụng y tế số (ví dụ: qua điện thoại di động) là rất quan trọng để bệnh nhân có thể tự đưa ra quyết định về sức khỏe của mình.

chuyển đổi số y tế

2. Tác động của chuyển đổi số lên lĩnh vực y tế

2.1. Chăm sóc cá nhân hóa cho bệnh nhân

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe là một trong những mục tiêu hàng đầu của các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, việc nâng cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không phải lúc nào cũng là điều tiên quyết. Thay vào đó, dịch vụ chăm sóc được cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân mới chính là chìa khóa giải quyết vấn đề.

Ví dụ, công nghệ như hồ sơ sức khỏe điện tử (Electronic Health Records - EHR) cho phép các bác sĩ tạo ra các phương pháp điều trị được tùy chỉnh dựa trên dữ liệu cụ thể của bệnh nhân như tiền sử bệnh và hồ sơ di truyền. Bằng cách tận dụng dữ liệu này, các chuyên gia y tế có thể cá nhân hóa các kế hoạch điều trị, dự đoán các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, và đứa ra những biện pháp can thiệp được điều chỉnh đặc biệt cho từng bệnh nhân.

Mặc dù việc sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) không có nghĩa là cơ sở y tế đó đã áp dụng thành công chuyển đổi số, song việc học cách tạo ra một phương pháp chăm sóc bệnh nhân cá nhân hóa hơn với các công cụ này có thể tạo ra một hệ thống cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả hơn, tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại.

2.2 Quyền bình đẳng trong y tế và gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ

Bình đẳng trong y tế - một chủ đề nóng hổi trong tất cả các khía cạnh của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ngày nay. Theo Quỹ Gia Đình Kaiser, người trưởng thành da đen, gốc Tây Ban Nha và gốc Á tại Hoa Kỳ ít có khả năng nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào năm 2021 so với người da trắng. Còn ở Châu Á nói riêng, nơi không có sự phân hóa về sắc tộc, bất bình đẳng trong y tế được thể hiện rõ qua lưu lượng bệnh nhân giữa các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

Y tế từ xa - một trong những giải pháp chuyển đổi số trong y tế tiêu biểu được kì vọng sẽ cải thiện sự chênh lệch trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Y tế từ xa cho phép các bác sĩ cung cấp dịch vụ chăm sóc tối ưu nhất dù cho bệnh nhân có ở bất cứ đâu.

y tế từ xa

Kết quả là, những bệnh nhân trước đây thường khó tiếp cận được dịch vụ chăm sóc tốt, chẳng hạn như bệnh nhân ở vùng nông thôn và người cao tuổi, hiện nay có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế thông qua các ứng dụng y tế và các công cụ số khác.

2.3. Tăng cường năng suất thông qua chuyển đổi số y tế

Năng suất trong chăm sóc sức khỏe rất quan trọng. Nó đảm bảo rằng mọi người nhận được dịch vụ chăm sóc một cách kịp thời và các bác sĩ lâm sàng điều trị được càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Tuy nhiên, với tình trạng dân số già hóa vượt trội so với lực lượng lao động trẻ và sự thiếu hụt nhân lực y tế, các cơ sở y tế đang gặp khó khăn khi cầu lớn hơn cung.

Đây là lúc các công nghệ chuyển đổi số như tự động hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ. Tự động hóa trong hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể tăng cường hiệu quả đáng kể trong nhiều nhiệm vụ quản lý y tế như:

- Tối ưu hóa việc đặt lịch hẹn

- Đảm bảo tuân thủ các luật và quy định về chăm sóc sức khỏe

- Tự động xuất và quản lý báo cáo y tế

- Duy trì hồ sơ y tế của bệnh nhân

- Tự động hóa việc ghi chú và xử lý yêu cầu bảo hiểm

Một trong những giải pháp chuyển đổi số cho bệnh viện điển hình là DrAid™ Quản lý dữ liệu y tế của VinBrain - Giải pháp được xem như là chìa khóa cho các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam dễ dàng thực hiên chuyển đổi số.

 

Giải pháp DrAid™ Quản lý dữ liệu y tế giúp các bác sĩ tự động tạo báo cáo y khoa theo chuẩn mẫu báo cáo của Hiệp hội Điện Quang Hoa Kỳ (RSNA), và công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản (speech-to-text) có sẵn 25 ngôn ngữ, cho phép tạo báo cáo nhanh chóng và dễ dàng. Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái DrAid™ còn tích hợp chatbot DrAid™ Copilot, trợ lý y tế ảo 24/7 dành riêng cho các bác sĩ và nhà quản lý, với khả năng trả lời và điều hướng trả lời về chủ đề y tế nhanh chóng và chính xác, giúp các bác sĩ tối ưu được năng suất làm việc một cách triệt để.

2.4. Hiệu quả chi phí từ chuyển đổi số

Dịch vụ y tế tốt với một mức giá phải chăng phù hợp với mọi đối tượng là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết bệnh nhân - đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Theo Quỹ Peterson, Hoa Kỳ có chi phí chăm sóc sức khỏe cao nhất thế giới, chi tiêu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2022 - trung bình khoảng 13.493 USD mỗi người. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe trung bình ở các quốc gia khác chưa bằng một nửa.

Với chuyển đổi số y tế, các chuyên gia y tế giờ đây có thể tận dụng công nghệ để triển khai mô hình chăm sóc dựa trên giá trị - tập trung vào chất lượng chăm sóc, hiệu suất của nhà cung cấp dịch vụ, và trải nghiệm của bệnh nhân. Nền tảng của chăm sóc dựa trên giá trị là việc bệnh nhân sẽ không trả tiền cho dịch vụ nếu nó không cải thiện được tình trạng sức khỏe của họ.

Ví dụ, sự xuất hiện của các phòng khám sức khỏe cộng đồng là một giải pháp y tế đã mang lại dịch vụ chăm sóc kịp thời hơn cho nhiều bệnh nhân so với các phòng cấp cứu. Điều này giúp cho bệnh nhân chỉ phải đến bác sĩ khi cần thiết, giúp tránh được những lần khám cấp cứu tốn kém, có thể lên tới 1.300 USD cho mỗi lần khám.

3. Những thách thức hàng đầu của chuyển đổi số trong y tế

Mặc dù công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhưng chuyển đổi số y tế cũng đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho các nhà quản lý y tế để tránh việc bị sử dụng sai mục đích, dẫn đến hiệu quả nghiêm trọng. Dưới đây là một số thách thức mà các nhà quản lý y tế cần lưu ý khi thực hiện giải pháp chuyển đổi số cho bệnh viện một cách toàn diện và hiệu quả

3.1. An toàn, bảo mật dữ liệu y tế

Trong quá trình chuyển đổi số y tế, an toàn và bảo mậ dữ liệu chính là thách thức lớn nhất và cũng được quan tâm nhất. Tại hầu hết các quốc gia, dữ liệu y tế đang bị phân mảnh và chưa có những giải pháp thực sự phù hợp để khắc phục triệt để tình trạng trên. Những dữ liệu y tế này có thể nằm trong hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) của bạn, có thể nằm ở chỗ dược sĩ của bạn, có thể nằm ở chỗ bác sĩ chụp X-quang hoặc thậm chí là nha sĩ của bạn. Các hệ thống này hoàn toàn không có sự kết nối.

Sự thiếu đồng bộ dữ liệu y tế khiến các bệnh viện khó khai thác hiệu quả được nguồn dữ liệu y tế để tối ưu hóa việc điều trị bệnh nhân. Giải pháp cho tình trạng trên chính là các cơ sở y tế cần hợp nhất dữ liệu bằng công nghệ điện toán đám mây (cloud), từ đó sẽ giúp hợp lý hóa quy trình chăm sóc y tế và giảm chi phí.

Song song với đó, bảo mật dữ liệu y tế cũng là một trong những mối lo vô cùng lớn trong quá trình chuyển đổi số y tế. Quá trình số hóa dữ liệu y tế sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng, khiến cho các dữ liệu có nguy cơ tiềm ẩn bị đánh cắp hoặc bị sử dụng cho những mục đích xấu.

 An toàn, bảo mật dữ liệu y tế

Theo tạp chí HIPAA (Đạo luật về Trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế 1996), từ năm 2009 đến 2022, đã có hơn 5.000 vụ vi phạm an toàn bảo mật dữ liệu y tế được báo cáo lên Văn phòng Quyền Công dân của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, dẫn đến việc thông tin của hơn 350 triệu hồ sơ y tế bị rò rỉ.

Do đó, các bệnh viện và cơ sở y tế cần tăng cường an ninh mạng để giảm thiểu rủi ro vi phạm an toàn và bảo mật dữ liệu. Gia tăng chất lượng chăm sóc y tế nhưng đồng thời cũng cần chú trọng vào tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu, đó là điều kiện tiên quyết.

3.2. Thích nghi với chuyển đổi số y tế

Chuyển đổi số y tế dẫn theo hàng loạt các sự thay đổi về quy trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân, bao gồm cả các công việc hành chính. Sự thay đổi này không hề dễ chịu đối với các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là trong bối cảnh họ luôn phải đối mặt với khối lượng công việc dày đặc mỗi ngày.

Do đó, các cơ sở y tế không nên chỉ đạo các chuyên gia kinh doanh tìm kiếm giải pháp công nghệ và các bác sĩ chỉ tập trung vào giải pháp lâm sàng. Thay vào đó, họ nên cùng nhau làm việc để xác định và thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên liên quan.

Điều này đảm bảo rằng công nghệ vừa phải có chức năng lâm sàng vừa cần có chức năng hành chính. Nếu lực lượng bác sĩ, chuyên gia y tế bị ép phải sử dụng công nghệ một cách không đồng thuận, việc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình có thể sẽ phản tác dụng.

3.3. Rào cản về hạ tầng, kinh tế

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế mang đến nhiều lợi ích, bao gồm việc số hóa hồ sơ bệnh án, hóa đơn, và các tài liệu liên quan, giúp quá trình quản lý thông tin trở nên hiệu quả và minh bạch hơn. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, các công nghệ chuyên biệt dành cho y tế vẫn chưa được phát triển một cách toàn diện.

Sự thiếu hụt về hạ tầng công nghệ, cùng với nguồn lực tài chính và nhân sự hạn chế, khiến quá trình chuyển đổi số cho bệnh viện gặp khó khăn trong việc triển khai các giải pháp công nghệ một cách đồng bộ và hiệu quả. Điều này tạo ra thách thức lớn trong việc liên kết và đồng bộ hóa dữ liệu giữa các bệnh viện, phòng khám và các cơ quan quản lý y tế trên quy mô rộng, cản trở khả năng tối ưu hóa hệ thống y tế quốc gia và toàn cầu.

4. Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số y tế toàn diện

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, không thể phủ nhận rằng rất nhiều quốc gia đang làm khá tốt trong quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế. Dưới đây là một số giải pháp giúp thúc đẩy hiệu quả của quá trình này:

4.1 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ là một từ khóa đã nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây. Đây không chỉ là xu hướng của chuyển đổi số trong ngành y tế hay chuyển đổi số cho bệnh viện mà còn là xu hướng của toàn xã hội. Khi ứng dụng AI vào vận hành các thiết bị y tế, sự gia tăng hiệu quả trong chăm sóc và điều trị có thể quan sát được một cách rõ rệt.

AI có thể được thiết kế thành trợ lý y tế ảo với khả năng ghi nhớ thông tin y tế chính xác, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, AI còn giúp tìm ra các thành phần hoạt chất mới, phát triển thành công thuốc, đưa chúng vào thử nghiệm lâm sàng và cung cấp các kết quả phân tích chính xác.

4.2 Ứng dụng blockchain trong lưu trữ hồ sơ y tế điện tử

Blockchain đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế nói chung và là giải pháp chuyển đổi số cho bệnh viện nói riêng, giúp đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu y tế và tính chính xác cho hồ sơ y tế điện tử (EHR). Là một đơn vị lưu trữ khổng lồ, blockchain giúp ghi nhận đầy đủ thông tin khám chữa bệnh, tiền sử bệnh lý, đơn thuốc, v.v. Qua đó giúp các bác sĩ có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà không cần thông qua bất kỳ bên trung gian nào.

 ứng dụng blockchain trong y tế

4.3 Sử dụng thiết bị y tế di động

Với thời đại 4.0 hiện nay, xu hướng chăm sóc sức khỏe cũng đang dần thay đổi. Con người đã học cách chú trọng vào việc phòng bệnh hơn là chữa bệnh, họ quan tâm đến việc duy trì lối sống lành mạnh và có nhu cầu hiểu rõ hơn về cơ thể của mình. Do đó, hàng loạt các sản phẩm công nghệ phục vụ cho mục đích chăm sóc sức khỏe cũng đã được các công ty tung ra thị trường. Các thiết bị này phần lớn đều nhỏ gọn và có thể mang theo người, giúp cập nhật tình trạng sức khỏe mọi lúc, mọi nơi một cách tiện lợi.

4.4 Khám bệnh từ xa (Y tế từ xa)

Một trong những điểm tích cực nhất khi áp dụng chuyển đổi số trong ngành y tế là gia tăng số lượng khám chữa bệnh thông qua bác sĩ ảo và các buổi tư vấn sức khỏe trực tuyến. Với y tế từ xa, bệnh nhân có thể dễ dàng gặp gỡ bác sĩ ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào một cách vô cùng thoải mái. Điều này giúp bệnh nhân tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian và công sức so với việc đến bệnh viện để khám trực tiếp.

 

Nguồn tham khảo

https://online.northeastern.edu/resources/what-is-digital-transformation-in-healthcare/#:~:text=Digital%20transformation%20in%20healthcare%20refers,Data%20analytics  

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9963556/  

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470260/  

Thông tin thêm về #Research
Đọc tiếp
Bài viết phổ biến

Top

Chia sẻ