VinBrain đồng hành thúc đẩy ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Y tế: Tầm nhìn từ các chuyên gia hàng đầu

04 tháng 09, 2024
Tác giả: admin

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 25 của Hội Điện quang & Y học hạt nhân Việt Nam (VSRNM 2024) tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Ariyana Đà Nẵng, phiên thảo luận “Giải pháp thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế” đã thu hút sự tham gia và quan tâm sâu sắc của hơn 600 chuyên gia y tế và bác sĩ. Phiên thảo luận được đồng tổ chức bởi UBND TP Đà Nẵng, Hội Điện quang & Y học hạt nhân Việt Nam, và Công ty CP VinBrain, đưa đến các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ góc nhìn những tiến bộ, thách thức và tiềm năng to lớn trong việc ứng dụng AI trong y học hiện đại. 

Phiên thảo luận có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế và công nghệ toàn cầu, gồm: GS. Curtis Langlotz (Giám đốc Trung tâm AIMI ĐH Stanford, Hoa Kỳ & Chủ tịch Hội Điện quang Bắc Mỹ (RSNA)); GS. TS. NGND Phạm Minh Thông (Chủ tịch Hội Điện quang và YHHN VN); Đại sứ Jaya Ratnam (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam); GS. Gregory Moore (Nguyên Phó Chủ tịch Microsoft và Google mảng Y tế); Ông Trương Quốc Hùng (Nhà sáng lập & TGĐ VinBrain).  

GS. TS. NGND Phạm Minh Thông CEO VinBrain Ông Trương Quốc Hùng điều phối phiên thảo luận 

AI đang định hình lại Y tế: Từ bị động sang chủ động 

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng AI không chỉ đơn thuần là một công cụ phát hiện các bất thường trên hình ảnh y tế, mà còn đóng vai trò then chốt trong cải thiện hiệu quả quy trình khám chữa bệnh. Giáo sư Gregory Moore, Nguyên Phó Chủ tịch Microsoft và Google mảng Y tế, đã chia sẻ quan điểm rằng AI đang tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ từ việc chăm sóc y tế bị động sang chăm sóc chủ động, dựa trên việc phân tích khối lượng lớn dữ liệu phức tạp trong thời gian thực. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa việc lập kế hoạch điều trị mà còn cải thiện hiệu quả hoạt động của bệnh viện, từ quản lý nhân sự cho đến các nguồn lực khác. 

Theo Giáo Moore, "Sự chuyển đổi này sẽ dẫn đến việc chăm sóc nhân hóa được áp dụng quy lớn một cách hiệu quả hơn". 

Mối quan hệ hợp tác giữa con người và máy móc được củng cố bởi AI 

Giáo sư Curtis Langlotz, Giám đốc Trung Tâm AIMI ĐH Stanford và Chủ tịch Hội Điện quang Bắc Mỹ (RSNA), đã chia sẻ góc nhìn sâu sắc về tương lai của AI trong ngành chẩn đoán hình ảnh. Ông nhấn mạnh rằng AI giúp nâng cao hiệu quả làm việc của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh mà không làm giảm độ chính xác trong chẩn đoán. Ngoài việc giúp phát hiện các bất thường AI còn tối ưu hóa quá trình báo cáo tự động, đo lường các chỉ số về tổn thương, và trích xuất thông tin từ hình ảnh. 

"AI đang định hình lại ngành chẩn đoán hình ảnh, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa con người và máy móc. Đó là việc tối ưu hóa các thế mạnh của cả hai hệ thống để nâng cao hiệu quả mà không làm giảm độ chính xác”, Giáo sư Langlotz khẳng định. 

Mối quan hệ hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Singapore cho y tế 

Tham dự phiên thảo luận, Đại sứ Jaya Ratnam nhận định rằng Singapore và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và mối quan hệ giữa hai nước đủ tin cậy để hợp tác trong các lĩnh vực như giải pháp chăm sóc sức khỏe dựa trên sức mạnh của AI. Bên cạnh đó cả hai quốc gia đều có những lợi thế riêng biệt: Singapore với khả năng nghiên cứu và phát triển tiên tiến, và Việt Nam với nguồn nhân lực công nghệ đang phát triển mạnh mẽ. Sự hợp tác này không chỉ mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia mà còn góp phần giải quyết những thách thức y tế toàn cầu.   

Xu hướng tương lai trong lĩnh vực Y học hạt nhân và Chẩn đoán hình ảnh 

Trong 5 –10 năm tới, các chuyên gia đồng thuận rằng AI sẽ tiếp tục được tích hợp sâu rộng vào quy trình làm việc trong y học hạt nhân và chẩn đoán hình ảnh. Những tiến bộ trong phân tích dữ liệu và các nền tảng lưu trữ trên đám mây sẽ mở ra các cơ hội hợp tác toàn cầu, đặc biệt trong việc chia sẻ dữ liệu và hội chẩn quốc tế. 

 

Đọc tiếp
Tin mới nhất

Top

Chia sẻ