EN
VN
Nghề Huấn Luyện Trí Tuệ Nhân Tạo
VinBrainers/Experts 13 tháng 02, 2024

Nghề Huấn Luyện Trí Tuệ Nhân Tạo

Đằng sau thành công của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo do VNG, VinBrain phát triển, thì bên cạnh các máy móc hiện đại còn có bóng dáng của các "huấn luyện viên AI".
Tác giả: The Leader E Magzine

AI Cũng Cần Có Huấn Luyện Viên 

So với toàn cầu, Việt Nam hiện đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181), theo Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện.

Đây là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới. Còn xét trong khu vực, chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 5/10 trong ASEAN, tăng một bậc so với năm trước.

Nhiều chuyên gia tin rằng, AI thậm chí có thể tạo ra một "nền kinh tế" mới tại Việt Nam, và thay đổi hầu hết các ngành, nghề.

Tất nhiên, để các AI này hoàn thiện và được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, thì đằng sau đó là cả một quá trình "huấn luyện AI" gian khó, vốn tiêu tốn nhiều nguồn lực, bao gồm: thời gian, tiền bạc, cũng như đội ngũ chuyên gia tại các doanh nghiệp.

"Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực đầy thử thách và tiềm năng. Để tạo ra những sản phẩm AI chất lượng, không chỉ cần có những ý tưởng sáng tạo mà còn cần có quá trình huấn luyện AI hiệu quả", ông Vũ Thanh Tùng - người đứng đầu mảng sản phẩm, AI Cloud của VNG Digital Business chia sẻ.

Theo ông Tùng, huấn luyện AI là công đoạn tối ưu hóa các tham số của mô hình AI dựa trên dữ liệu đầu vào. Ở VNG Digital Business, công đoạn này được thực hiện bởi nhóm AI Lab - một đội ngũ chuyên gia về AI có nhiều kinh nghiệm và năng lực.

Nhóm AI Lab sẽ sử dụng nguồn dữ liệu Tiếng Việt phong phú do chính VNG Digital Business thu thập và xử lý, cùng với hệ thống AI Cloud lớn và hiện đại để huấn luyện các mô hình AI cho các sản phẩm của VNG Digital Business.

Quá trình huấn luyện này có sự kết hợp hài hòa giữa máy móc và con người tại VNG Digital Business. Máy móc đảm nhận việc tính toán và học hỏi, con người đảm nhận việc giám sát, điều chỉnh và đánh giá kết quả.

Tương tự như vậy, tại VinBrain, công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh và điều trị ung thư tại các bệnh viện cũng bắt nguồn từ khâu huấn luyện AI.

Các dữ liệu sau khi làm sạch và gán nhán, sẽ được đưa vào dạy máy dựa trên mô hình học sâu (deep learning), cùng với việc liên tục được thẩm định, đánh giá cho đến khi hoàn thiện.

Ông Trương Quốc Hùng - nhà sáng lập và CEO VinBrain cho biết, thông thường thời gian để huấn luyện một trí tuệ nhân tạo phục vụ một mục đích cụ thể cần ít nhất khoảng một tuần cho những bài toán đơn giản.

"Với các bài toán phức tạp như trong lĩnh vực y tế, thì thời gian có thể kéo dài đến hàng năm. Việc huấn luyện và cập nhật mô hình được tiến hành liên tục để cải thiện chất lượng AI theo thời gian", ông Hùng nói.

Những Huấn Luyện Viên AI trong Thực Tế

Tính cho đến thời điểm hiện tại, AI của VinBrain đã được ứng dụng tại hơn 100 bệnh viện ở Việt Nam, còn tính cả trên thế giới là trên 175 bệnh viện.

Giải pháp DrAid™ của VinBrain đã chứng minh hiệu suất vượt trội khi giảm thời gian đọc hình ảnh ca bệnh như ung thư gan từ 30 phút 1 ca xuống chỉ còn 5 phút 1 ca và quan trọng hơn cả là giúp bác sĩ phát hiện được bệnh ở giai đoạn đầu, với khả năng phát hiện các tổn thương ở gan có kích thước chỉ từ 5mm.  

Từ đó, công nghệ này giúp các bác sĩ ung bướu lập kế hoạch điều trị, tầm soát ung thư gan, với khả năng đưa ra kết quả chính xác đến 90%, đồng thời tăng tỷ lệ điều trị thành công.

Để đạt được những thành tựu này, VinBrain có hơn 80 con người, chủ yếu là các kĩ sư công nghệ trình độ cao.

Theo CEO Trương Quốc Hùng, để tham gia vào việc phát triển AI, nhân sự cần có bằng cấp cao, thường là thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc ít nhất là kĩ sư loại giỏi của các trường hàng đầu trong lĩnh vực: Khoa học Máy tính, Toán học, Khoa học Dữ liệu, hoặc Công nghệ Thông tin.

Tại VNG Digital Business, đội ngũ trong mảng trí tuệ nhân tạo có khoảng 30 nhân sự, chủ yếu cũng tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ hoặc cử nhân loại giỏi.

"Những nhân sự này có kinh nghiệm làm việc đa dạng trong lĩnh vực AI, như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, học máy, học sâu, học tăng cường, học đồng bộ", ông Vũ Thanh Tùng chia sẻ.

Dẫn chứng về thành tựu trí tuệ nhân tạo do đội ngũ VNG Digital Business nghiên cứu, huấn luyện và phát triển, ông Tùng cho biết, giải pháp định danh điện tử trueID eKYC của VNG  đã giúp cho công ty quản lý quỹ Dragon Capital tăng trưởng số lượng người dùng gấp 10 lần chỉ trong 1 năm.

Hay như Veka.ai là một giải pháp quản lý camera tập trung cho nhiều chuỗi bán lẻ, ngân hàng, nhà máy sản xuất, trường học, các khu đô thị thông minh hiện nay.

Đối với sản phẩm này, VNG Digital Business ứng dụng AI vào các bài toán như phát hiện chuyển động, nhận diện gương mặt cũng như toàn bộ đối tượng người, phát hiện xâm nhập vùng cấm, hay nhận diện biển số xe.

Tiêu Chuẩn Của Một Huấn Luyện Viên AI 

Để trở thành một "huấn luyện viên AI" thực thụ không đơn giản. Ông Vũ Thanh Tùng tiết lộ, phần lớn các kĩ sư ở VNG Digital Business được đào tạo từ các trường hàng đầu tại Mỹ và Châu Âu như: University College Dublin, University of California San Diego, Oregon State University...

Trong đó, các nhân sự cấp cao đều có kinh nghiệm "thực chiến" tại các công ty công nghệ quốc tế và đang ứng dụng kiến thức về AI chuyên sâu để tạo ra những sản phẩm, tính năng AI thân thiện với người dùng Việt Nam.

Tại VinBrain, các "huấn luyện viên AI" cũng chủ yếu tốt nghiệp từ các trường đại học, hoặc tổ chức nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới với chuyên ngành trí tuệ nhân tạo.

"Ở Việt Nam thì có thể nhắc đến Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội", CEO VinBrain nói.

Tuy nhiên, việc tuyển chọn, cũng như đào tạo sau đại học dành cho các kĩ sư AI trong nước không dễ dàng. Chưa kể, theo một nghiên cứu gần đây, nguồn cung nhân lực AI tại Việt Nam đang ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng.

Số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc) cho thấy hiện chỉ có hơn 1.600 người Việt đang nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới AI. Trong đó, chỉ có khoảng 700 người đang làm công việc này tại Việt Nam, số còn lại làm ở các nước khác.

Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường, nhưng chỉ có 30% trong số này có thể làm các công việc liên quan tới AI.

Và để thực sự đáp ứng được cấp bậc chuyên gia trong AI, quá trình học tập và đào tạo chuyên sâu còn phải kéo dài hơn nữa. Số nhân lực ra trường và có thể đi làm được luôn là rất hiếm.

"Một người có thể trở thành lập trình viên AI, có khả năng cơ bản sau vài tháng học, nhưng để trở thành một chuyên gia hàng đầu, có thể mất vài năm, hoặc thậm chí nhiều thời gian hơn", người đứng đầu VinBrain nhấn mạnh.

 


Link báo nguồn: 

https://theleader.vn/nghe-huan-luyen-tri-tue-nhan-tao-em1707490916844.htm

Thông tin thêm về #Phỏng vấn
Đọc tiếp
Bài viết phổ biến

Top

Cập nhật những tin tức và thông tin mới nhất từ VinBrain bằng cách đăng ký nhận bản tin của chúng tôi!

Chia sẻ