Ngành Y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lực lượng bác sĩ, chuyên gia Y tế trong những năm gần đây và dự báo sẽ còn kéo dài đến năm 2024 theo WHO. Tình trạng đầy thách thức này buộc các tổ chức, doanh nghiệp Y tế phải tìm đến những giải pháp công nghệ Y tế nhằm tiết kiệm hơn về nguồn lực, đặc biệt dưới áp lực tài chính nghiêm trọng mà họ đang phải đối mặt.
Các nhà lãnh đạo ngành ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề trong khả năng tiếp cận hệ thống Y tế cho mọi người, kèm theo đó là các thách thức về môi trường. Trước những thách thức này, xu hướng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe được đánh giá là có vai trò then chốt trong việc cởi bỏ những “nút thắt” còn tồn tại. Những ứng dụng tiến bộ, mang tính cách mạng này không chỉ trao quyền cho các chuyên gia Y tế mà còn nâng cao được chất lượng, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, góp phần mang lại cho xã hội những kết quả vô cùng tích cực.
Vậy đâu là những công nghệ Y tế dẫn đầu xu hướng trong năm 2024 sắp tới?
Với sự tăng cường về dữ liệu chẩn đoán thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, từ hình ảnh đến thông tin Gen và bệnh lý kỹ thuật số, việc hợp nhất mọi thông tin này trở nên quan trọng. Điều này giúp bác sĩ xây dựng kế hoạch chẩn đoán và điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu này thường bị phân tán qua nhiều hệ thống khác nhau.
Các tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán tích hợp sẽ giúp các chuyên gia Y tế trao đổi thông tin bệnh nhân một cách thuận tiện hơn, tăng cường khả năng hợp tác giữa họ. Hình dung một cách đơn giản, chẩn đoán tích hợp sẽ tạo ra "bộ điều khiển chung" tổng hợp dữ liệu từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Môi trường kỹ thuật số này không phụ thuộc vào một nhà cung cấp cụ thể. Điều này giúp hỗ trợ các bác sĩ có thể chẩn đoán kịp thời và chính xác cho bệnh nhân.
Với bệnh nhân mắc bệnh ung thư, Chẩn đoán tích hợp dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) này có nghĩa là họ có thể được chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn ở giai đoạn đầu, khi cơ hội điều trị thành công là cao nhất. Đồng thời, các chuyên gia cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về sự nhất quán của các phát hiện của họ, tạo ra một vòng phản hồi liên tục để tối ưu hóa quy trình chẩn đoán.
Ngày nay, thực tế ảo (VR) đang mở ra một tiềm năng to lớn trong việc thay đổi chất lượng chăm sóc Y tế hai chiều lên cả bệnh nhân và bác sĩ. Trên phương diện của bác sĩ, công nghệ Y tế ứng dụng VR hiện đang chứng kiến sự ứng dụng mạnh mẽ trong việc đào tạo các chuyên gia phẫu thuật trong môi trường thực tế.
Một nghiên cứu gần đây của Harvard Business Review đã làm rõ rằng việc đào tạo bác sĩ phẫu thuật thông qua VR có thể mang lại tăng cường hiệu suất lên đến 230%, với sự nhanh chóng và chính xác hơn so với các phương pháp truyền thống. Hiện nay, VR không chỉ là một công cụ giáo dục, mà còn là một bước đột phá giúp nâng cao khả năng làm việc của đội ngũ Y tế trong bối cảnh lực lượng Y tế đang trở nên thiếu hụt. Đặc biệt điều đó thường xuyên diễn ra ở các nước đang hoặc kém phát triển.
Thêm vào đó, với công nghệ VR vẫn đang được cải tiến từng ngày, từng giờ mở ra cơ hội cho những bệnh nhân ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận đến những dịch vụ Y tế chất lượng hơn, đem lại sự bình đẳng hóa về tiếp cận dịch vụ Y tế.
Phân tích dự đoán (Predictive analytics) đang nổi lên như một trong những xu hướng công nghệ y tế đầy hứa hẹn trong những năm gần đây. Bằng cách tập hợp các dữ liệu về phẫu thuật và lâm sàng theo thời gian thực và từ lịch sử, Phân tích dự đoán có thể giúp các nhà cung cấp dịch vụ Y tế cải thiện hiệu suất làm việc và trang bị các biện pháp dự phòng hiệu quả. Theo báo cáo của Philips Future Health Index 2023 cho thấy, 39% các nhà lãnh đạo Y tế có kế hoạch đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để dự đoán kết quả.
Hiện nay, "Phân tích dự đoán"(predictive analytics) trong lĩnh vực Y tế giúp dự đoán và quản lý lưu lượng bệnh nhân, từ đó phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Việc này đã chứng minh tầm quan trọng của việc phân bổ nguồn lực trong những tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19 và trở thành một phần quan trọng của hoạt động bệnh viện trên toàn thế giới. Ngoài ra, qua việc theo dõi các thiết bị Y tế, Phân tích dự đoán cũng giúp xác định thời điểm cần bảo dưỡng hoặc thay thế các bộ phận phần cứng, giải quyết 30% trường hợp trước khi gặp sự cố, tránh gián đoạn không mong muốn.
Trong lĩnh vực lâm sàng, Phân tích dự đoán có thể hỗ trợ việc phát hiện sớm các rủi ro về sức khỏe của bệnh nhân dựa trên những dấu hiệu và dữ liệu. Điều này có giá trị vô cùng to lớn trong chăm sóc cấp cứu, sinh mệnh của người bệnh hoàn toàn có thể giữ lại nếu được can thiệp kịp thời.
Khi các tổ chức Y tế phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự dai dẳng, nhiệm vụ định hình lại chiến lược lực lượng lao động được đặt ra để thu hút và giữ chân nhân tài, mang lại sự cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống của các chuyên gia Y tế.
Trong những năm gần đây, xu hướng nổi bật có thể kể đến là việc tích hợp AI vào hệ thống chẩn đoán hình ảnh giúp các bác sĩ có thể phát hiện sớm và chính xác hơn những bất thường trên hình ảnh CT, MRI. Điển hình tại Việt Nam có thể kể đến giải pháp được phát triển bởi VinBrain mang tên DrAid™ Tầm soát lồng ngực tổng thể bằng trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng sàng lọc và phát hiện sớm 52 bất thường trên hình ảnh X-quang. Hơn nữa, với độ chính xác lên tới 91%, giải pháp được xem như mang lại lợi ích to lớn 2 chiều cho cả bác sĩ và bệnh nhân.
Trong những năm tới, tự động hóa sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa với sự bùng nổ mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo Tạo sinh (Generative AI) trong Y tế. Theo một khảo sát gần đây của Bain & Company, những tổ chức Y tế hàng đầu đã đều nhận định rằng AI Tạo sinh sẽ là cơ hội ngàn vàng để giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ nhân viên Y tế và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bất chấp những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ Y tế thiết yếu. Sự chênh lệch này vẫn đang ngày càng gia tăng ngay cả tại những quốc gia có hệ thống Y tế phát triển, đặt ra một thách thức to lớn cho hệ thống y tế toàn cầu.
Tận dụng sức mạnh của công nghệ cao chính là lời giải mà các nhà lãnh đạo đầu ngành đang tìm kiếm. Một trong những giải pháp đáng chú ý trong đại dịch COVID-19 vừa qua mang tên Telemedicine và Telehealth. Người bệnh hoàn toàn có thể tiệp cận dịch vụ Y tế từ xa chỉ bằng một thiết bị di động thông minh. Bác sĩ có thể khám, chữa cho bệnh nhân, thậm chí kê đơn thuốc với chỉ một chiếc điện thoại di động hay máy tính bảng.
Source:
Top
Cập nhật những tin tức và thông tin mới nhất từ VinBrain bằng cách đăng ký nhận bản tin của chúng tôi!